Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

CCĐY 3 – TẬP KHÍ CÔNG CHỮA BỆNH CAO ÁP HUYẾT

1- KHÍ CÔNG LÀ GÌ ?

CÔNG là một sự chuyển hóa, do tập luyện thường xuyên, do tập trung ý theo dõi hơi thở và động tác, giúp cho sự khí hoá của tạng phủ hoạt động quân bình, đều đặn. Muốn sự chuyển hóa tốt phải nhờ vào KHÍ, và phải biết cách tạo khí. Theo khí công thì khí có 5 loại khác nhau trong cơ thể :

a-Tông khí :

Là khí tăng cường của phổi, có được tông khí cần phải thở sâu, lâu, cho oxy chiếm tối đa dung tích của phổi, như các lực sĩ, võ sĩ, vì có tông khí mới tạo ra khí lực.

b-Nguyên khí :

Là khí lực bẩm sinh do cha mẹ truyền cho, là khả năng hoạt động của thận mạnh hay yếu. Chúng ta cũng có cách tập luyện để tăng cường bổ sung khí cho nguyên khí. Nguyên khí còn gọi là Chân khí, chân khí bẩm sinh là khí tiên thiên, chân khí hậu thiên do ăn uống để bồi bổ sức khỏe, là khí dư thừa, đã dự trữ tích lũy trong cơ thể lấy được từ khí huyết tạo ra tinh, tủy, não, thay cũ đổi mới tế bào, tăng cường tuổi thọ.

c-Ngũ tạng khí :

Là khí lực tự nhiên của lục phủ ngũ tạng như tâm khí, tỳ khí, phế khí, thận khí, can khí. Ngũ tạng khí tạo ra thần trong bộ ba tinh-khí-thần của đông y.

Bộ ba tinh-khí-thần này hòa hợp theo tự nhiên, bẩm sinh, nó hòa hợp được mạnh và bền chặt hơn do tập luyện, nó sẽ lập ra một chương trình hoạt động trong cơ thể chúng ta như sự hấp thụ, phân tích, tổng hợp, chọn lọc, phân phối, điều hành, để nuôi dưỡng phát triển và tăng cường bảo vệ cơ thể.

d-Vinh khí và vệ khí :

Chất liệu để tăng cường cho bộ ba tinh-khí-thần là tập luyện, và do khí từ ăn uống có được gọi là cốc khí ( khí của ngũ cốc ) để nó cho ra hai loại khí quan trọng khác là khí dinh dưỡng ( vinh khí ), và khí bảo vệ ( vệ khí bao gồm hệ miễn nhiễm, hồng cầu, bạch cầu và hệ nội tiết ).

Con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do tinh-khí-thần. Nếu sự hoạt động của tinh-khí-thần yếu kém,thí dụ chỉ hấp thụ được 10% khi ăn một tô súp có năng lượng 2000 calories, thì chỉ thu nhận được 200 calories, trong khi đó lại phải mất đi một số lượng calories để loại bỏ số dư thừa ra khỏi cơ thể không được hấp thụ, nếu không số dư thừa không chuyển hóa sẽ làm cho cơ thể bị bệnh, ngược lại một nông dân ăn cơm cà muối, hay dưa muối, mỗi bát cơm chỉ có 200 calories, nhưng sức hấp thụ nhiều và chuyển hóa nhanh, ăn 3 bát cơm còn thấy đói, ăn 6 bát mới đủ no, nếu hấp thụ được 70% thì cơ thể dung nạp được 840 calories, còn hơn một tô súp mà không thu nạp được bao nhiêu.

Chúng ta đừng tưởng ăn vào một chất đại bổ như sâm, nhung, linh chi hay các thức ăn uống khác như người ta thường nói, nó không nở bề dài chắc cũng nở bề ngang, thực ra rất tai hại. Thí dụ như đang bị sốt, sức hấp thụ 0% ăn vào sẽ ói ra ngay. Sự hấp thụ còn tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể theo quy luật khí hóa ngũ hành của tạng phủ. Thí dụ cơ thể cần mặn để sinh hàn, tăng thủy để khắc chế hỏa, mà lại ăn món cay để tăng hỏa, vệ khí sẽ bảo vệ cơ thể, nó tạo ra phản ứng ói mửa ra ngay.

Khi tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần sẽ bền chặt và mạnh hơn, vinh vệ khí mạnh hơn làm cho tăng tính hấp thụ. Nếu chỉ uống thuốc mà không tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần càng suy yếu, sức hấp thụ càng giảm, đó là lý do tại sao ăn uống bổ và thuốc men đầy đủ mà vẫn suy nhược không khỏi bệnh.

Vì vậy, cách chữa bằng khí công luôn luôn phối hợp cả ba tinh-khí-thần, âm dương ngũ hành, cùng một lúc để điều chỉnh sự khí hóa của tinh-khí-thần lúc nào cũng được quân bình hòa hợp.

2- TẠI SAO MẮC BỆNH CAO ÁP HUYẾT?

Chúng ta hãy quan sát một nhiệt kế thủy ngân ở ba mức độ khác nhau :

Mức trung bình, nhiệt kế chỉ 37,5 độ C, tỷ trọng là 1.

Mức thấp, khi thời tiết lạnh hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích thủy ngân co lại do lạnh, làm tỷ trọng tăng, lớn hơn 1.

Mức cao, khi thời tiết nóng hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích giãn nở do thời tiết nóng, làm tỷ trọng giảm, nhẹ hơn 1, nếu thời tiết nóng qúa, thủy ngân giãn nở vượt qúa thể tích chứa của ống thủy tinh sẽ làm cho ống thủy tinh vỡ.

Áp huyết của con người cũng như thế, số lượng máu trong con người cũng giống như số lượng thủy ngân, ống mạch máu giống như ống chứa thủy tinh, 37,5 độ C là thân nhiệt trung bình của một người.

Đối với con người, nếu thân nhiệt cao hơn nhiệt độ trung bình, đông y gọi là nhiệt, thấp hơn gọi là hàn. Nếu cặp đo nhiệt độ ở nách, ở miệng, ở hậu môn, mỗi nơi chỉ mỗi khác. Riêng nhiệt độ nơi bao tử lý tưởng trung bình hoạt động tốt, nhiệt độ luôn luôn 41 độ C, là nhiệt độ thích hợp làm mau rục thức ăn hóa thành chất bổ nuôi cơ thể, ở nhiệt độ này đông y gọi là thấp khí.

Đối với cây cỏ. thấp khí cần thiết để chuyển hoá hạt thành mầm, cây muốn tăng trưởng cần thêm yếu tố ánh nắng ( nhiệt khí ), có nước ( hàn khí ), có gió ( phong khí, có khí khô ráo ( táo khí). Mỗi loại khí có nhiệt độ khác nhau tạo ra công năng chuyển hóa khác nhau tùy theo giai đoạn như sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng. Giai đoạn hạt nẩy mầm là sinh, mọc thành cây là trưởng, kết nụ ra hoa là hóa, thành trái là thâu, trái khô rụng xuống đất giữ lại hạt là tàng cho chu kỳ sinh nối tiếp. Những biến chuyển đó đông y gọi là khí hóa. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao áp huyết tăng cao, chúng ta nên biết qua sự khí hóa là gì ? Sự khí hóa dựa vào hai yếu tố chính là THỦY và HỎA.

A- Sự khí hóa của thủy- hỏa đối với thời tiết :

Theo tỷ lệ tác động giữa mặt trời ( hỏa), và nước biển ( thủy), ở 5 mức độ khác nhau tạo ra 5 loại khí khác nhau trong 24 giờ.

  • Phong khí : Buổi sáng ánh nắng mặt trời chiếu xuống mặt nước biển yếu, nước biển bốc hơi nhẹ sinh gió mát tạo ra phong khí.
  • Hỏa khí : Buổi trưa nhiệt độ tăng sức nóng, nước biển bốc hơi mạnh làm nước cạn dần gọi là thủy triều xuống, đem theo khí nóng tạo ra hỏa khí.
  • Thấp khí : Buổi chiều, nóng của mặt trời tuy bớt nhưng nóng của nước biển bốc lên không đủ sức vượt lên cao để thành mây mà cứ luẩn quẩn sát mặt đất sinh oi bức, ẩm thấp gọi là thấp khí .
  • Táo khí : Buổi tối, đất còn nóng và nước biển cạn bớt, đất khô rút lại, không khí không còn ảnh hưởng của hỏa-thủy nhiều sinh khô ráo gọi là táo khí.
  • Hàn khí : Ban đêm, hoàn toàn không có hỏa khí, nước hết nóng trở thành lạnh, cộng với số nước do mây tụ lại thành mưa trả nước về cho biển gọi là thủy triều lên, thủy khí nhiều nhất tạo ra khí lạnh gọi là hàn khí.

B- Sự khí hóa của thủy-hỏa đối với mùa :

Quả đất quay chung quanh mặt trời ở 5 vị trí khác nhau tạo ra 5 mùa hợp với 5 loại khí :

  • Phong khí thuộc mùa Xuân mát mẻ , thời tiết như buổi sáng .
  • Hỏa khí thuộc mùa Hạ nóng bức , thời tiết như buổi trưa.
  • Thấp khí thuộc mùa Trường hạ nóng ẩm thấp, thời tiết như buổi sau trưa đến chiều.
  • Táo khí thuộc mùa Thu khô ráo co rút, thời tiết như buổi chiều tối.
  • Hàn khí thuộc mùa Đông lạnh lẽo, thời tiết như ban đêm.

Dựa vào hiện tượng này Đông y rút ra kết luận :

  • Xuân sinh phong thuộc mộc .( Muà Xuân cây cỏ mọc )
  • Hạ sinh nhiệt thuộc hỏa.
  • Trường hạ sinh thấp thuộc thổ.
  • Thu sinh táo thuộc kim ( đất co rút nhiều chất, lâu năm thành quặng mỏ ).
  • Đông sinh hàn thuộc thủy.

C- Sự khí hóa của thủy-hỏa trong con người:

Trong con người, hỏa khí nhờ ở qủa tim, thủy khí nhờ ở thận. Khí của tâm thận giao nhau nhờ ở thức ăn uống thuộc TINH tạo ra năng lượng và nhiệt lượng , Khí giúp tâm-thận hoạt động được phải nhờ vào hơi thở thuộc KHÍ, hơi thở lệ thuộc vào thời tiết khí hậu bên ngoài và sự biến động tình cảm, tinh thần bên trong thuộc THẦN. Bộ ba tinh-khí-thần hoạt động đều đặn hòa hợp thì con người không bệnh tật, khi mất quân bình , mất hòa hợp sẽ tạo ra nhiều bệnh.

Nếu TINH do thức ăn từ ngoài vào cơ thể hợp với nhu cầu Tinh-khí-thần bên trong cơ thể đang cần, nó sẽ tạo ra sự chuyển hóa biến thành khí huyết nuôi da thịt, xương cốt, răng, gân, móng tóc, óc, tủy.., nếu không phù hợp nó tạo ra phản ứng chống đối để đào thải ra ngoài mặc dù những thức ăn uống ấy phân chất theo tây y là giầu chất bổ dinh dưỡng.

Nếu KHÍ bên trong cơ thể là khí của hơi thở và khí chuyển hóa của tạng phủ không thuận với khí bên ngoài là khí hậu, thời tiết cũng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể để chuyển tinh hóa khí, chuyển khí hóa thần.

Nếu THẦN trong cơ thể không được nuôi dưỡng bằng TINH, không được tăng cường bằng KHÍ đến từ hơi thở, từ sự chuyển hóa của tinh ra năng lượng, và không khí bên ngoài, thì thần cũng suy nhược, hoạt động điều tiết nội dược ( hormones ) bất bình thường sinh ra bệnh.

Chức năng hoạt động của thần là Ý, là cảm giác, giao cảm, phản xạ, hưng phấn, ức chế, vận động, đìều tiết hormones tạo ra các phản ứng hóa học cần thiết cho cơ thể bằng cách tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích.

Thí dụ khi có thai, người mẹ sợ chất tanh, phản ứng tự nhiên của cơ thể sinh uạ mửa ( phản ứng không có ý thức xen vào ). Khi cơ thể kém tiêu hóa, bác sĩ khám thấy thiếu men tiêu hóa trong bao tử, cho uống men tiêu hóa active levure chẳng hạn để tạo ra phản ứng chủ động có ý thức xen vào làm cho bao tử tiêu hóa tốt. Còn bán tự động do kích thích huyệt nội dược làm hưng phấn chức năng tiêu hóa thì phản ứng thần kinh cũng tiết ra hormone làm tăng men tiêu hóa cho bao tử mà không cần dùng men tiêu hóa bên ngoài đem vào cơ thể.

Những phản ứng hóa học tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích lại phần lớn lệ thuộc vào bên ngoài cơ thể là môi trường tình cảm, trình độ văn hóa, văn minh khoa học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, thói quen.. ở mỗi người mỗi khác. Thí dụ như dân xứ nghèo lạc hậu, phong tục còn ăn bốc ở dơ, họ không sợ bệnh, do hệ miễn nhiễm ( là THẦN ) đã quen và tạo ra vệ khí mạnh, ngược lại chúng ta chỉ nhìn thấy cũng thấy ghê sợ và bị bệnh, nếu bị ép ăn như họ sẽ sinh bệnh nặng do ảnh hưởng của thần tác động xấu, ức chế thần kinh do sợ hãi.

Thần cũng có ngũ hành lệ thuộc vào những biến động tâm lý tình cảm : vui ( hỏa), lo ( thổ), buồn ( kim), sợ ( thủy), giận ( mộc ).

Bộ ba tinh-khí-thần bẩm sinh ( tiên thiên ) và do học hỏi (hậu thiên ) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo phản ứng hóa học trong cơ thể gọi là sự khí hóa. Theo tây y, thức ăn chuyển hóa thành nhiệt lượng calories, thành protide, glucide, lipide, và vitamines, chất khoáng.. Nhưng chuyển hóa được bao nhiêu, ít hay nhiều, thu nhận hay đào thải, theo đông y chúng đều lệ thuộc vào bộ ba tinh-khí-thần, vì mặc dù thức ăn giầu chất bổ, nhưng ăn không vui, ăn trong tủi nhục, giận hờn, chỉ nhét vào miệng cho đỡ đói, chẳng khác nào như bỏ đất vào miệng, sự khí hóa sẽ không chuyển hóa để thu nhận tối đa được, nếu ép ăn sẽ bị ói mửa sinh bệnh. Ngược lại các nhà nông quanh năm ăn cơm dưa muối, phân chất thành phần dinh dưỡng chẳng có gì mà họ vẫn khỏe mạnh hơn chúng ta, vì họ ăn với tinh thần vui vẻ như thi sĩ Tản Đà viết :’’ Cơm dưa muối khó khăn mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon. Khi vui câu chuyện thêm dòn. Chồng chồng, vợ vợ, con con, một đàn ‘’. Chúng ta phân chất thành phần dinh dưỡng trong cỏ khô cũng chẳng có gì, chỉ như rác, nhưng con bò ăn với tinh thần vô tư vui vẻ, thế mà cơ thể nó đã tạo ra sữa, máu, thịt. là những chất bổ dưỡng nuôi được con người.

Cho nên con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do bộ ba tinh-khí-thần điều khiển sự khí hóa tốt hay xấu. Nếu giúp cho sự khí hóa tốt bằng ăn uống hoặc dùng ngoại dược thì phải biết cái mà cơ thể đang cần để hưng phấn hay ức chế thần kinh tạo ra phản ứng hóa học cần thiết, nếu không cơ thể tạo ra phản ứng xấu làm cho bệnh trầm trọng thêm.

Vì thế bệnh cao áp huyết xét theo quy luật khí hóa giữa thủy với hỏa trong cơ thể thì hai yếu tố này quá chênh lệch, không quân bình hòa hợp. Có thể hỏa nhiều hơn thủy do TINH ăn uống những chất cung cấp nhiều nhiệt khí, ít hàn khí, do KHÍ hoạt động của tâm khí mạnh hơn thận khí, do THẦN biến động bởi tâm thần, tình cảm thiên về lo nghĩ, sợ hãi, giận hờn, bực tức. Nếu lo lắng thì ăn không tiêu hóa, sợ hãi thì thận khí không hoạt động, giận hờn bực tức thì mộc sinh hỏa khiến tâm tánh nóng nẩy. Khi hai yếu tố thủy-hỏa do sự khí hóa của tạng thận và tạng tâm bất bình thường thì khó có thể tìm ra nguyên nhân nào để điều chỉnh lại thức ăn thuốc uống cho phù hợp với nhu cầu mà cơ thể đang cần.

Nhưng điều chỉnh sự khí hóa thủy-hỏa bằng phương pháp khí công sẽ dễ dàng và có hiệu qủa. Vì Tinh-Khí-Thần trong cơ thể muốn khí hóa được tốt phải nhờ vào hơi thở tạo ra tông khí để tăng cường sự hoạt động của tinh-khí-thần, ngoài ra khí chuyển hóa thức ăn thuốc uống của lục phủ ngũ tạng có thể điều chỉnh được bằng huyệt để kích thích thần kinh bán tự động, để thần kinh tự điều chỉnh khí hóa lập lại quân bình của thủy-hỏa làm cho áp huyết được ổn định tự động.


3 - CÁCH KHÁM BỆNH BẰNG KHÍ CÔNG :

Để tìm hiểu sự kỳ diệu của khí công tác động lên huyệt làm cân bằng sự khí hóa trong cơ thể như thế nào, chúng tôi xin cống hiến cho qúi vị cách tự khám và tự chữa bệnh cholestérol và bệnh cao áp huyết cho chính mình và cho người khác theo phương pháp sau :

Có những vị đang điều trị bệnh cao áp huyết theo tây y thì biết chắc là mình có bệnh cao áp huyết, tuy nhiên cách thử xem mình có bệnh cao áp huyết hay không cũng dễ dàng ai cũng có thể thử được, không cần phải có máy đo áp huyết.

Thử cholestérol trên ngón tay giữa (thứ ba ):

Để ngửa bàn tay trái tự nhiên, trên lòng bàn tay phải, dùng ngón tay cái của bàn tay phải gấp ngón tay giữa của bàn tay trái cho vuông góc ở đốt ngón ngoài .

Nếu mềm nhũn, bẻ vào không đau hoặc bẻ vào vuông góc cũng không đau là không có cholestérol. Nếu bẻ chưa vuông góc đã đau nhiều, không thể bẻ vào cho vuông góc được là có cholestérol ở động mạch, màng bao tim và trong máu.

Thử cao áp huyết trên ngón tay áp út (thứ tư ) :

Bẻ gập đầu ngón tay thứ tư bàn tay trái, chưa vào vuông góc đã bị đau là có bệnh cao áp huyết. Tùy theo đau nhiều là áp huyết cao nhiều, đau ít là áp huyết cao ít. Khi áp huyết đang phát triển thì trán nóng, mặt đỏ, đầu mũi đỏ, thở hổn hển, ưa cáu giận, la hét, bực bội, bàn tay nóng, có thể hơi ẩm mồ hôi. Có người mặt đỏ, trán đỏ, nhưng sờ vào trán mát là không có bệnh áp huyết.

Đau ngón tay thứ tư bên trái là số đo áp huyết đã cao hơn 140mmHg. Nếu đang dùng thuốc trị cao áp huyết, khi bấm vào có độ cứng mà không đau chứng tỏ rằng áp huyết còn, được ổn định do thuốc dãn ống mạch, thực sự áp huyết chưa xuống, chỉ cần một cơn giận dữ áp huyết sẽ lên đột ngột, khi té ngã sẽ đứt mạch thành liệt cứng ,chi co quắp.

Trường hợp đang điều trị bằng thuốc mà bấm ngón tay không đau, mềm nhũn, hãy coi chừng phải đi đo mạch lại, vì áp huyết đã tụt xuống thấp mà không hay, sắc mặt trở thành tái xanh, chóng mặt thiếu máu não, khi bị té ngã sẽ đứt mạch thành liệt, chi mềm nhũn.

Bẻ gập đầu ngón tay vào vuông góc có độ cứng mà không đau, là không có bệnh cao áp huyết.

Bẻ gập ngón tay vào mềm nhũn vô lực là áp huyết thấp, thiếu máu hay bị chóng mặt .

Thử xong hai ngón tay của bàn tay trái xong, tiếp tục thử hai ngón tay 3,4 của bàn tay phải.

Ngón ba của bàn tay phải bị đau chỉ cho biết có cholestérol bên ống tĩnh mạch và màng bao tim.

Ngón tư của bàn tay phải bị đau chỉ cho biết số đo áp huyết số sau trên 90 mmHg.

4- CÁCH ĐIỀU CHỈNH TINH-KHÍ-THẦN CHỮA BỆNH CAO ÁP HUYẾT :

A-Điều chỉnh TINH :

Là cách điều chỉnh thức ăn uống cái nào hợp giúp mau khỏi bệnh, cái nào hại làm cho bệnh không khỏi, càng ngày càng nặng thêm.

Hãy để ý đến các món ăn làm tăng áp huyết cần phải tránh không được dùng như cà rốt, cam thảo, khô mực, gan gà, thịt nướng, các loại mắm ruốc, mắm nêm, trái cây nhãn, xoài, ổi, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, quít, coca, cà phê, thuốc lá, cao hổ cốt, mật động vật, calcium, thuốc trị phong thấp, thuốc trị Parkinson là chất làm tăng áp huyết và tăng nhiệt, nước cốt dừa, đậu phộng, bơ đậu phộng, tôm, cam, sữa đặc, da gà, crème và các loại có nhiều chất béo là chất làm tăng cholestérol, sâm và các loại thuốc bổ khí và huyết sẽ làm xáo trộn áp huyết, khi cao qúa khi thấp qúa, hại cơ tim và mạch đập nhanh, tránh ăn no, ăn nhiều, bao tử bị căng ép dội lên buồng tim làm co thắt tức ngực ( angine )làm mệt tim, khó thở ....

B-Điều chỉnh KHÍ :

Điều chỉnh khí bằng huyệt :

Có hai phương pháp dùng huyệt : Phương pháp thứ nhất là day bấm huyệt tác động trên kinh mạch vật chất định hình để điều chỉnh sự khí hóa kinh mạch tái lập quân bình sự khí hóa của tổng thể ngũ hành, phương pháp thứ hai là vuốt huyệt truyền khí trên kinh mạch vật chất vô định hình, dễ làm và hữu hiệu hơn, qúy vị có thể tìm hiểu thêm ở bài Khả năng chữa bệnh kỳ diệu của huyệt.

Cả hai phương pháp đều là điều chỉnh sự khí hóa trên hệ nội dược ( système endocrine ) qua hệ thống kinh mạch huyệt đạo bằng các công thức phối hợp huyệt khác nhau, bỏ qua phần lý luận chuyên môn tại sao phải dùng huyệt này, không dùng huyệt kia, nếu có dịp chúng tôi sẽ nói đến ở đề tài chuyên môn khác trong bài chữa bệnh bằng huyệt.

a- Phương pháp day bấm huyệt :

Những huyệt có kết qủa để làm hạ áp huyết được an toàn ổn định là Lao Cung, Đại Lăng, Phục Lưu,Chiếu Hải.

clip_image002 clip_image004

clip_image006 clip_image008

Cách áp dụng :

Dùng đầu ngón tay cái phải, hay đầu bút bi bấm đau (gọi là tả) vào huyệt Lao Cung, trong lòng bàn tay trái của mình, người có bệnh cao áp mới bấm vào huyệt này cảm thấy đau như kim đâm,bấm mạnh và giữ lâu từ 1 phút trở lên bao giờ cảm thấy bấm vào không bị đau nữa mới chuyển sang huyệt Đại Lăng ở giữa cổ tay, cũng bấm đau như huyệt trước cho đến khi hết đau.Hãy để ý trước khi bấm huyệt thì trán nóng, hai ngón tay giữa và áp út gập vào cứng và đau, sau khi bấm thì trán mát, có khi còn xuất rịn mồ hôi, còn hai ngón tay bây giờ mềm gập bẻ vào dễ dàng. Sau đó dùng ngón tay cái day lâu từ 1 phút trở lên vào huyệt Phục Lưu ở hai chân, có cảm giác hơi đau ( gọi là day bổ ), rồi day bổ đến huyệt Chiếu hải ở hai chân cho đến khi cổ họng trào nước miếng, ướt lưỡi và đầu cảm thấy mát hẳn. Đó là nguyên tắc cắt hỏa nhiệt của tim mạch làm giảm trương lực mạch và bổ thủy cho thận làm giảm thân nhiệt.

Khi day bấm các huyệt này, hệ nội tiết tạo phản ứng điều chỉnh ra thuốc tự chữa bệnh, giống như khi uống thuốc vào, hệ thần kinh cũng tạo phản ứng tiết ra thuốc (nội tiết tố ) tự chữa bệnh, do đó huyệt cũng tương đương như thuốc, cần phải day bấm huyệt mỗi ngày 2-3 lần, nên đo áp huyết trước và sau khi bấm huyệt, khi có kết qủa áp huyết ổn định bình thường, hãy để ý, nếu tiếp tục dùng thuốc ngoài ( tây y hoặc đông y ) mà thấy áp huyết xuống càng ngày càng thấp, phải đi khám lại để đổi hoặc bớt số lượng thuốc.

b- Phương pháp vuốt huyệt truyền khí :

1-Trường hợp có bệnh cao áp huyết do ngón tay thứ ba đau nhiều hơn ngón thứ tư. ( Chữa ngọn )

clip_image010

Theo thứ tự, tả hỏa đoạn Tâm bào trước rồi mới Tả kinh Tâm bào sau.
Dùng ngón tay cái, tự vuốt hơi mạnh theo chiều từ huyệt Lao Cung đến Đại Lăng. Mỗi đợt vuốt là 18 lần. Có thể vuốt 3 lần một ngày tương đương với kết qủa của 3 lần uống thuốc.
Mục đích làm hạ nhiệt ở đầu, ở bàn tay, và làm hạ áp huyết, hạ sốt cấp kỳ, cánh tay vai đau co cứng, hạ cholestérol.
Nếu vuốt ngược lại sẽ làm tăng nhiệt và tăng áp huyết.

clip_image012

Sau khi vuốt tả hỏa đoạn Tâm Bào mới vuốt tiếp đoạn Tả Kinh Tâm Bào như sau : Dùng ngón tay cái tự vuốt hơi mạnh theo chiều từ huyệt Đại Lăng kéo về phía Gian Sứ ( cách cổ tay khoảng 3 ngón tay)

Mỗi đợt vuốt 18 lần giống như cách làm của Tả hỏa đoạn Tâm bào.

Mục đích lấy hết nhiệt hỏa còn dư sót lại trong hệ thống tim mạch sẽ không làm cho ống mạch bị căng cứng khiến áp huyết lên trở lại, nếu làm nhiều lần áp huyết sẽ xuống thấp hơn nữa như ý muốn.

Vuốt cả hai bên bàn tay, tay trái trước, tay phải sau, kiểm chứng lại tình trạng áp huyết bằng cách khám lại độ cứng của hai ngón tay 3,4 một lần nữa xem đã mềm, không đau, khác với lúc khám ban đầu không.

Sau khi làm có triệu chứng như hơi choáng váng, mắt nhìn hơi mờ khoảng 1-2 phút rồi hết, bàn tay mát, ngón tay mền, đầu nhẹ, đo áp huyết thấy xuống, đó chính là thuốc do cơ thể tạo ra theo phản ứng điều chế hợp chất của huyệt tác động lên thần kinh thuộc hệ nội tiết .

2-Trường hợp bệnh cao áp huyết nặng, cứng đau nhiều cả hai ngón tay 3,4 : (Chữa ngừa biến chứng )

Chúng ta vuốt thêm ở cánh tay mặt sau, tính từ khớp cùi chỏ đến khớp xương cổ tay chia làm 4 phần, lấy 1 phần

clip_image014

là vị trí huyệt Chi Cấu, nằm trên bờ trong xương lớn. Huyệt Thiên Tĩnh nằm ngay trên chỗ lồi cùi chỏ thuộc phần cánh tay trong, nơi có lỗ trũng.

Cách vuốt : Vuốt 6 lần, cánh tay trái trước, cánh tay phải sau. Dùng ngón tay cái bấm mạnh vào huyệt Thiên Tĩnh rồi vuốt xuống huyệt Chi Cấu theo mũi tên trên hình vẽ.

Nên bôi dầu vaseline hay dầu nóng cho trơn để dễ vuốt.

Vuốt xong hai bên cánh tay, rồi kiểm chứng lại xem ngón tay thứ tư còn cứng và đau hay không, nếu bên nào còn đau thì vuốt lại bên đó 6 lần nữa.

Mục đích tả hỏa đoạn Tam tiêu để giảm áp lực của khí và huyết ở thượng tiêu đã làm đau đầu, đau tim ngực, thở hổn hển khò khè và những co rút ở khớp tay vai cổ..

Nếu có bệnh cao áp huyết, chúng ta nên vuốt huyệt ngày 2-3 lần đỡ phải dùng hóa chất tây dược nhiều gây ra phản ứng phụ không có lợi cho sức khỏe.

3- Chữa gốc điều hòa tâm thận, ổn định áp huyết không tái phát.

Chúng ta vuốt thêm hai đoạn Bổ Bàng Quang và BổThận ,chân trái trước, chân phải sau theo chiều mũi tên trên huyệt.

clip_image016

clip_image018

C-Điều chỉnh THẦN :

Ngoài việc thực hiện sử dụng huyệt thay thuốc để chữa bệnh, chúng ta thường xuyên đi bác sĩ gia đình đo lại áp huyết, nếu áp huyết xuống hoặc ổn định, yêu cầu bác sĩ cho giảm liều thuốc xuống để tránh rủi ro áp huyết tụt thấp bị té ngã sẽ tê liệt tứ chi mềm vô lực.

Bấm huyệt là điều chỉnh khí, kiêng khem về ăn uống là biết điều chỉnh tinh ( chất bổ của đồ ăn ), còn phải biết điều chỉnh thần , lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, yêu đời, nên tránh trầm uất, lo lắng, giận hờn, la hét, cáu kỉnh, sẽ làm tăng yếu tố cao áp huyết. Một trong ba yếu tố Tinh-Khí-Thần mất quân bình thì bệnh tật không bao giờ hết.

Ngoài việc chủ động giữ tinh thần điềm đạm để tránh tính tính thay đổi bất ngờ làm đảo lộn khí huyết kinh mạch dễ gây tai biến mạch máu não, chúng ta còn phải tập động công và tập thở tĩnh công theo các bài chỉ dẫn sau :

1- Cách điều chỉnh thăng bằng: Hạc tấn mở mắt :

Theo lý thuyết ‘ Ý tập trung ở đâu, khí sẽ theo đến đó, khí đến đâu huyết sẽ theo đến đó ‘, cho nên bài tập này sẽ tập đứng trên một chân để giữ thăng bằng cho cơ thể, vô tình khí và huyết đi xuống tập trung vào bàn chân, hỏa khí sẽ theo xuống làm giảm áp lực của hỏa trên đầu khiến cho áp huyết xuống.

Cách đứng hạc tấn mở mắt :

Các ngón tay chụm lại như mỏ con hạc, giống như các sợi dây điện chụm lại thành một bó cho chạm mát, sẽ làm rối loạn thần kinh, bắt bộ óc phải tự điều chỉnh hệ thần kinh, hai cánh tay dang ngang vai, các ngón tay úp xuống, đứng một chân, chân kia co cao lên ngang thắt lưng cho đùi song song với mặt đất, còn các đầu ngón chân chỉ xuống đất song song với cẳng chân kia. Cuốn lưỡi lên vòm họng trên, ngậm miệng, hít thở bằng mũi tự nhiên. Đứng như vậy, mỗi bên chân lâu 60 giây trở lên rồi lại đổi chân. Tập đứng 10-15 phút mỗi ngày. Nếu chưa đứng vững sợ ngã, nên đứng dựa tường hoặc tựa một tay vào tường.

Bài tập này cũng đánh giá được tình trạng cao áp huyết nặng hay nhẹ, nếu bệnh nặng sẽ không thể đứng lâu mỗi bên được 30 giây, nếu chỉ đứng được khoảng 5 giây bị mất thăng bằng là bệnh mãn tính, quá nặng do dùng thuốc, nếu dùng thuốc với liều nặng không đúng bệnh một thời gian tay chân run rẩy, chữa lầm sang bệnh Parkinson, áp huyết sẽ càng cao thêm khiến chân tay co rút, lúc đó không thể tập được bài này.

Tại sao phải chụm 5 ngón tay, cuốn lưỡi ngậm miệng? Năm ngón tay gồm 6 đường kinh ( có 4 kinh hỏa, 2 kinh kim ), dùng ý tập trung hỏa xuống chân làm tăng thủy lên hóa bớt hỏa, chân đứng vững làm mạnh kinh thận đem thủy lên họng tạo thành nước miếng, đầu lưỡi thuộc tim cuốn lên hàm trên để nối với Mạch Đốc, phần cuống lưỡi thuộc thận, thông với Mạch Nhâm, hai mạch nối vào nhau khiến cho âm dương hòa hợp, ngậm miệng để giữ khí và tích lũy khí.

clip_image020

Hạc tấn mở mắt

2- Cách điều chỉnh âm dương hòa hợp :

Áp dụng cả 2 bài tập mỗi ngày :

Bài tập 1 : Đứng lên, ngồi xuống trên hai gót chân .( 20 lần)

Bài tập này giữ cho cột sống thẳng trong lúc tập, làm mạnh chân thuộc âm, thư giãn gân cơ đùi, đầu gối, nhón gót khi đứng ngồi sẽ kích thích huyệt Phục Lưu để bổ thận thủy đưa thủy khí lên để hạ áp huyết, ý tập trung ở hai bàn chân để chỉ huy động tác nhón gót, hạ gót cong ngón chân lên, cho đúng và nhịp nhàng với hơi thở, thì khí và huyết dẫn hỏa xuống theo, giúp thủy hóa khí theo cột sống đi lên mạch Nhâm-Đốc, âm dương sẽ được điều hòa. Người bị cao áp huyết lâu, đầu gối bị cứng khó ngồi, phải tập từ từ, nếu không thể tự đứng một mình, nên đứng vịn tay vào chỗ nào chắc chắn (như nắm cửa, lan can, thành giường..), hoặc cần phải vịn nhẹ 10 đầu ngón tay vào tường. Cuốn lưỡi, ngậm miệng, lưng thẳng, tập theo từng động tác sau :

Động tác 1- Hít vào:
Nhón hai gót chân cao lên từ từ theo hơi thở vào.

Động tác 2- Thở ra :
Hai gót vẫn nhón, lưng thẳng, hai tay vịn tường, từ từ ngồi xuống theo hơi thở ra cho đến khi mông chạm vào hai gót chân mới hết giai đoạn thở ra. Nếu mông chưa chạm được vào gót chân là còn bệnh cao áp huyết và phong thấp làm cứng gân mạch chân đùi. Cứ tiếp tục hạ thấp xuống được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vừa hạ xuống vừa thở ra từ từ, sẽ làm gân đùi mềm hơn, (nếu trong khi hạ xuống mà nín thở, đùi sẽ cứng không ngồi xuống thấp được ), khi hạ thấp người cột sống lưng phải thẳng, không để lưng cong, hoặc khom xuống.

Động tác 3- Hít vào :
Gót vẫn nhón, lưng thẳng, tay vịn tường, đứng lên từ từ theo hơi thở hít vào, người thẳng như cũ, tiếp tục nhón gót lên cao mới hết giai đoạn hít vào.

Động tác 4- Thở ra :
Hai gót từ từ hạ chạm đất theo hơi thở ra, người đứng thẳng, rồi cho các ngón chân cong lên mới hết giai đoạn thở ra. Cong đầu ngón chân tạo thế mất thăng bằng cho ý tập trung để điều chỉnh lại thế thăng bằng cho cơ thể, bắt ý phải tập trung xuống dưới nhiều hơn để áp huyết xuống theo, khi cong ngón chân lên khí huyết sẽ chạy ra đến đầu ngón chân, làm mềm cổ chân và ngón chân, làm thông hai huyệt âm dương kiều mạch ở chân ( Chiếu Hải, Thân Mạch ) giúp cho thận hoạt động mạnh sẽ giảm nhiệt khí trong cơ thể.

clip_image002[4]

1- Hít vào 2- Thở ra 3- Hít vào 4- Thở ra

Bài tập 2 : Điều hòa âm dương 4 nhịp : (20 lần ).

Khi đã tập quen bài tập 1, tay không cần vịn tường mới tập sang bài tập 2.

Bài tập này có 4 động tác, vừa luyện ý, vừa luyện thần, điều chỉnh cho hai tay thuộc dương, hai chân thuộc âm lên xuống hòa hợp, khi lên cao là lên dương, các ngón tay phải chỉ xuống đất là âm, khi ngồi xuống thấp là âm, các ngón tay phải chỉ hướng lên trời là dương, theo nguyên tắc trong dương có âm, trong âm có dương ,thuận theo quy luật khí hóa của trời đất, vừa bảo toàn năng lượng, vừa tạo ra một lực khí hóa tự động ( giống như khi hít vào là dương, phải tự động thở ra là âm, cứ một âm một dương thay đổi liên tục). Nguyên tắc ở hai bàn tay của bài tập này là ‘ âm thăng, dương giáng ‘ , gồm 4 động tác sau :

Động tác 1- Hít vào :
Hai cánh tay song song thân người, cuốn lưỡi, ngậm miệng, khí hít vào, hai cánh tay thẳng nâng lên phía trước mặt độ cao ngang bằng vai, các ngón tay chỉ xuống đất, bàn tay mềm, không được căng cứng, bàn tay đang ở vị thế âm thăng, cùng lúc hai gót chân cũng nhón lên cao hết mức, hai động tác tay chân làm cùng một lúc theo hơi thở vào, khi xong động tác thì vừa hết hơi thở vào, ý điều chỉnh tinh-khí-thần để giữ thăng bằng cho chân, nên khí huyết phải xuống theo giúp cho mạnh chân, gối, các ngón chân và móng chân từ từ đỏ hồng lên.

Động tác 2- Thở ra :
Đổi chiều bàn tay các ngón tay hướng lên trời ở vị thế âm thành dương, lưng thẳng, vẫn nhón gót cao, khi thở ra từ từ ngồi xuống cho mông chạm gót, hai cánh tay tiếp tục hạ xuống kéo ra sau lưng, lúc đó mới hết một hơi thở ra, bàn tay lúc đó vẫn úp song song với mặt đất, các ngón tay hướng phía trước, bàn tay ở vị thế dương giáng .

Động tác 3- Hít vào :
Đổi chiều bàn tay dương thành âm, gập bàn tay vào cổ tay, lúc đó lòng bàn tay hướng lên trời các ngón tay chỉ ra sau, bắt đầu hít vào từ từ, vẫn ngồi, kéo hai cánh tay ra trước nâng lên cao song song ngang tầm mắt, ngang bằng vai, khi tay dừng lại thì tiếp tục giữ lưng thẳng từ từ đứng thẳng lên, vẫn nhón gót cao, động tác tay và chân làm vừa xong mới xong hơi thở vào, bàn tay ở vị thế âm thăng như vị thế của tay ở động tác 1)

Động tác 4- Thở ra :
Hai cánh tay đang ở song song trước mặt, ngón tay chỉ xuống đất, bây giờ đổi chiều bàn tay âm thành dương, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay chỉ lên trời, bắt đầu thở ra từ từ cùng lúc hai cánh tay hạ xuống, gót chân hạ theo, tiếp tục kéo cánh tay ra tới sau lưng, lòng bàn tay lúc đó đang úp song song với mặt đất, các ngón chân nâng ngửa lên, tạo thế mất thăng bằng cho ý phải tập trung để điều chỉnh lập lại thăng bằng, lúc đó mới xong hơi thở ra, bàn tay ở vị thế dương giáng.

clip_image004[4]

Động tác 1 : Hít vào

clip_image006[4]

Động tác 2- Thở ra

clip_image008[4]

Động tác 3-Hít vào

clip_image010[4]

Động tác 4- Thở ra

3- Cách điều chỉnh thần kinh ở đầu,cổ, gáy :

Tục ngữ thường nói sợ đứng tim, sợ vãi đái, giận căm gan.. tất cả những thay đổi tâm lý bất thường ấy quá mức chịu đựng của thần kinh sẽ tạo ra phản ứng xấu cho sức khỏe. Bệnh cao áp huyết lệ thuộc vào sự khí hoá của gan ,thận, tim mạch, nếu do tâm lý biến đổi sẽ làm áp huyết không ổn định ,mặc dù có dùng thuốc. Cho nên cách điều chỉnh thần kinh là để tăng cường và bảo vệ sự dao động của thần kinh được ổn định, áp huyết không bị xáo trộn, và giúp mau hồi phục sự quân bình âm dương của tạng phủ để có khả năng tự điều chỉnh áp huyết trở lại bình thường nhanh chóng.

Điều chỉnh thần kinh ở đầu cổ gáy có 7 bài tập. Nếu tập đủ theo thứ tự, có thể ngăn ngừa và chữa được tai biến mạch máu não.

Bài tập 1 : Cào đầu (10 lần)

Dùng 10 đầu ngón tay, để từ trước trán, cào mạnh, nhanh ra phía sau gáy ở 3 giải, giải 1 sát vành tai, giải 2 từ góc trán, giải 3 giữa đỉnh đầu. Để ý vùng da đầu chỗ nào đau là nơi đó tắc nghẽn do sung huyết, huyết tụ, vón máu.. cào như vậy máu tắc tụ ở đó sẽ tan đi và phân tán đều ra chỗ khác. Còn chỗ nào cào, ấn vào không cảm thấy đau, chỉ thấy tê, nặng, mất cảm giác là nơi đó máu không đến, bị nhức bên trong đầu một bên (thiên đầu thống =migraine )để lâu không chữa sẽ dễ tích tụ thành khối u sọ não. Dù cảm thấy đau hay không, cứ cào 10 lần, trong ngày cào nhiều lần để kích thích thần kinh hưng phấn, tỉnh táo, khí huyết lưu thông dễ dàng, các chứng bệnh đau đầu sẽ hết, ngừa được bệnh sung huyết não gây tai biến mạch máu não, nhưng buổi tối trước khi đi ngủ không được cào đầu sẽ làm tỉnh táo mất ngủ. Còn ban ngày, tinh thần bần thần mệt mỏi, ưa buồn ngủ, nên cào đầu làm hưng phấn thần kinh chống cơn buồn ngủ.

clip_image012[4]

Bài 2 : Cào gáy (10 lần ).

Khi bị cao áp huyết, sau đầu gáy thường hay bị nhức, cứng cổ gáy, do huyết tắc nghẽn, xoay trở đầu cổ khó khăn. Hãy đè 10 đầu ngón tay ở giữa gáy, trên chân tóc, cào ra phía ngoài, để giải tắc khí huyết trong các động mạch và thần kinh bị nghẽn, nếu bị tắc, máu lên mà không xuống gây nhức đầu, máu xuống mà không lên gây chóng mặt, cũng tại chỗ này tập trung nhiều huyệt chữa mắt, giúp mắt sáng lên và không bị mỏi mắt.

Cào gáy thành 3 giải ngang :
a-Giải trên gáy, cào ngang đến tai trên : làm sáng mắt.
b-Giải giữa gáy, cào ngang đến chân tai : chữa hoặc ngừa cảm cúm.
c-Giải dưới nơi chân cổ gáy : cào ngang đén hõm vai : Chữa đau mỏi cổ gáy vai.

clip_image014[4]

Bài 3 : Chà gáy quay cổ (10 lần ).

Đan 10 ngón tay lại, để ra sau gáy, vừa chà qua chà lại sau gáy vừa quay cổ, nhiều lần trong ngày để làm mềm dẻo động mạch sau gáy, hai bên cổ gáy, làm thư giãn và nhẹ được đầu, cổ, gáy,vai.

clip_image016[4]

Bài 4 : Vuốt gáy quay cổ (10 lần )

Bàn tay phải vòng sau gáy, để vào chân tai trái, vuốt về bên tai phải, quay đầu về bên phải. Rồi đổi tay trái vòng sau gáy, để vào chân tai phải vuốt về bên tai trái, quay đầu về bên trái.

Cứ vuốt bên này, bên kia kể là một lần, vuốt 10 lần, và vuốt nhiều lần trong ngày.

Người có bệnh cao áp huyết, vùng chân tai hơi sưng to, lấy 5 ngón tay chụm lại gõ vào chân tai thấy đau, do huyết tụ căng cứng ở động mạch sau tai làm rối loạn thần kinh tiền đình khi đi sẽ lảo đảo mất thăng bằng.

clip_image018[4]


Bài 5 : Vuốt cổ quay cổ (10 lần )

Bàn tay phải bắt chéo qua gáy trái vuốt xuống giữa cổ, quay cổ sang trái. Rồi đổi tay trái bắt chéo qua gáy phải vuốt xuống giữa cổ, quay cổ sang phải. Cứ mỗi bên vuốt một cái kể là một lần. Vuốt 10 lần,và vuốt nhiều lần trong ngày. Nó làm giãn, dẻo dai, bớt căng cứng động mạch cảnh quanh cổ giúp máu lưu thông dễ dàng và làm hạ áp huyết do tắc động mạch cảnh..

clip_image020[4]

Bài 6 : Chà tai (10 lần )

Để ngón tay cái và ngón trỏ sau tai, 3 ngón còn lại phía trước tai, tất cả 5 ngón áp sát vào da mặt, kéo hai bàn tay chà lên cao khỏi đỉnh tai và kéo chà xuống dưới chân tai, cứ chà lên chà xuống nhiều lần, mỗi lần 10 cái. Hai tai thuộc thận, chà kích thích vùng tai giúp thận khí dương đi lên, đem sức nóng của tâm hỏa đi xuống, làm cơ thể ấm lên, áp huyết được ổn định. Người nào thường cảm thấy lạnh khi đi ra ngoài nên chà tai làm ấm đầu cổ và tăng thân nhiệt. Động tác này kích thích thần kinh tam thoa, thần kinh ngoại biên, trị bệnh trúng phong, liệt mặt, méo miệng, đớ lưỡi, điếc tai, bài tập này tránh được tai bị ù khi đi máy bay và ngừa được cảm lạnh phong hàn.

clip_image022

Bài tập 7 : Xoa mặt hình số 8 ( 10 lần )

Úp hai bàn tay song song vào giữa mặt, xoa sang góc trán phải kéo qua tai xuống hàm phải, chéo qua mũi lên góc trán trái, vòng qua tai trái xuống hàm trái, rồi lại chéo qua mũi lên góc trán phải, là đã hết một vòng số 8, đi đều khắp mặt mũi tai như rửa mặt khô, có tác dụng điều chỉnh âm dương, nóng lạnh trên mặt ( bên có cảm giác, bên mất cảm giác trong bệnh liệt một bên mặt ), chữa và ngừa liệt mặt, méo miệng, mắt xếch, kích thích máu nuôi da mặt tươi mịn, hồng hào, chữa mỏi mắt, cận thị, viễn thị, cườm mắt, mắt khô, quầng mắt thâm đen, đau tai, điếc tai, tê da mặt, đầu mũi lạnh, đau đầu trán, sổ mũi hắt hơi, da mặt khô, nổi mụn trứng cá.

clip_image024

4- Cách điều chỉnh bằng hơi thở.

Sau 9 giờ tối không được uống nước sẽ bị đi tiểu đêm làm mất ngủ, làm cho chức năng thận thủy hư yếu không khắc chế được hỏa của bệnh cao áp huyết.

Trước khi đi ngủ nửa giờ, nằm ngửa trên giường, đầu thấp, kê gối thấp hoặc không cần gối, hai gót chân chạm nhau. Cuốn lưỡi ngậm miệng, hít thở bằng mũi, hai bàn tay úp chồng lên bụng, khoảng dưới rốn ( đan điền tinh huyệt Khí Hải ) nam đặt bán tay phải ở dưới, bàn tay trái ở trên, nữ đặt bàn tay ngược lại . Nhắm mắt nghe và theo dõi hơi thở tự nhiên ở bụng nơi đan điền tinh xem có gì chuyển biến ở bụng nơi đặt tay.

a-Tập nghe hơi thở :

Khi thở vào nhẹ : Có nghe cảm giác bụng hơi phồng lên hay không.
Khi thở ra nhẹ : Có nghe cảm giác bụng hơi xẹp xuống hay không.
Nhớ là bụng phồng-xẹp theo hơi thở tự nhiên, không được cố ý gồng lên. Nếu bụng chưa phồng-xẹp tự nhiên thì phải tập luyện thành thói quen thuần thục trở thành một phản ứng tự nhiên.

b-Tập kiểm soát hơi thở :

Khi bụng phồng-xẹp tự nhiên theo hơi thở, lúc đó bắt đầu đếm thầm trong đầu cứ mỗi lần phồng lên, xẹp xuống đếm là 1 lần, rồi phồng-xẹp 2, phồng-xẹp 3, phồng-xẹp 4, phồng-xẹp 5, phồng-xẹp 6, phồng-xẹp 7, phồng-xẹp 8, phồng-xẹp 9, phồng-xẹp 10, rồi đếm trở lại từ phồng-xẹp 1 đến 10, nhiều lần.

Khi tập, đừng nản chí, đếm tới mấy ngàn lần cũng không sao, nó có hai điều lợi, khi còn tỉnh thức để đếm và theo dõi hơi thở thì thần kinh được thư giãn, cơ thể đang điều chỉnh khí huyết để tự chữa bệnh , vì ý tập trung ở bụng, nên khí huyết đến theo, giúp điều chỉnh khí hóa tam tiêu tốt, tâm, thận, âm dương hoà hợp, áp huyết và thân nhiệt trở lại bình thường. Khi hôn trầm ( buồn ngủ ), chúng ta quên đếm là đã rơi vào giấc ngủ sâu không mộng mị mà không cần dùng đến thuốc ngủ.( Qúy vị xem thêm chi tiết ở bài Dưới mắt khoa học tập thở khí công có lợi hay không ? để áp dụng tự phòng bệnh và chữa bệnh bằng hơi thở ).

Tóm lại, chúng ta đã biết nguyên nhân gây bệnh dù ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, bên trong, do thời tiết, môi trường, do ăn uống ngủ nghỉ sai lầm, không điều độ, dùng thuốc không thích hợp với cơ thể làm cho sự chuyển hóa của hệ thống tinh-khí-thần mất hòa hợp. Theo đông y, khí mất thì hình suy ( cơ thể bị bệnh ), nói như vậy thì khí là quan trọng để có thể điều chỉnh lại sự khí hóa âm dương ngũ hành của tạng phủ cho tinh-khí-thần hòa hợp lại, đó là chúng ta đã biết dùng khí công tự chữa bệnh cho mình. Đã có nhiều người theo phương pháp này tự chữa được bệnh cao áp huyết ổn định bình thường trong vài năm nay mà không có một triệu chứng xấu nào xảy ra. Mong qúy vị cố gắng tập luyện thường xuyên bền bỉ để bệnh cao áp huyết được mau bình phục.

doducngoc