Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Thang thuốc Thập Toàn Đại Bổ

NHỮNG TOA THUỒC CĂN BẢN ĐÔNG Y (ACADEMIC) CHỮA ĐƯỢC NHIỀU BỆNH MÀ TÂY Y KHÔNG TÌM RA NGUYÊN NHÂN -- THANG THUỐC THẬP TOÀN ĐẠI BỔ

THẬP TOÀN ĐẠI BỔ THANG gồm có 3 nhóm thuốc chính hợp laị :

Nhóm thứ nhất : TỨ VẬT THANG
Chữa tất cả những bệnh thuộc về máu, bồi bổ cơ sở vật chất
Tứ vật gồm 4 vị : Quy, Địa, Thược , Khung,
Thành phần cân lượng như sau :
Đương quy (tẩm rượu) 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, sinh huyết, trục ứ sinh tân, chữa hư tổn)
Thục điạ 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, bổ thận, bổ huyết ích tinh tuỷ)
Bạch thược 1,5 chỉ (vị chua, tính hàn, vừa bổ vừa liễm)
Xuyên khung 1 chỉ (tính ấm, thăng lên đầu khai ứ tắc )
Công dụng của Bài Tứ vật thang :
Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, kinh không đều, các chứng huyết hư, thiếu máu, chóng mặt, xây xẩm, huyết ứ trệ, người gầy ốm suy nhược mệt mỏi, kém ăn, ăn không biết ngon, áp huyết thấp, đau nhức do thiếu huyết tuần hoàn.

Nhóm thứ hai : TỨ QUÂN TỬ THANG

Chữa tất cả những bệnh thuộc về khí, tăng cường chức năng :
Tứ quân tử 4 vị : Sâm. Linh, Truật, Thảo,
Thành phần cân lượng như sau :
Nhân sâm 2 chỉ ( vị ngọt, đại bổ nguyên khí, vinh vệ khí, sinh tân, chỉ khát)
Phục linh 2 chỉ (vị nhạt, hóa đàm, thông thủy đạo, lợi thấp)
Bạch truật 2 chỉ (vị ngọt ấm, bổ tỳ vị, trục đàm trừ thấp, cầm tiêu chảy)
Chích thảo 1 chỉ (vị ngọt ấm, làm ấm trung tiêu)
Công dụng của Bài Tứ quân tử thang :
Kiện tỳ vị, ích khí hòa trung, giúp mạnh chức năng tỳ vị, khí hư không đủ sinh mệt mỏi rả rời, mặt vàng, ăn không tiêu, đại tiện không thông.
Chỉ dùng cho những người thiếu khí, nhưng không thiếu huyết. Nhân sâm đắt, thay bằng Đảng sâm 4 chỉ (vị ngọt, tính ấm, phù dương, trợ khí, tăng tân dịch).

Hai nhóm hợp lại thành : BÁT TRÂN THANG :

Đương quy (tẩm rượu) 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, sinh huyết, trục ứ sinh tân, chữa hư tổn)
Thục điạ 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, bổ thận, bổ huyết ích tinh tuỷ)
Bạch thược 1,5 chỉ (vị chua, tính hàn, vừa bổ vừa liễm)
Xuyên khung 1 chỉ (tính ấm, thăng lên đầu khai ứ tắc )
Nhân sâm 2 chỉ (vị ngọt, đại bổ nguyên khí, vinh vệ khí, sinh tân, chỉ khát)
Phục linh 2 chỉ (vị nhạt, hóa đàm, thông thủy đạo, lợi thấp)
Bạch truật 2 chỉ (vị ngọt ấm, bổ tỳ vị, trục đàm trừ thấp, cầm tiêu chảy)
Chích thảo 1 chỉ (vị ngọt ấm, làm ấm trung tiêu)
Công dụng của Bát Trân thang :
Bồi bổ và điều chỉnh lại khí và huyết khi cơ thể bị suy nhược hay phụ nữ bị xáo trộn ở tuổi tiền mãn kinh.
Hai nhóm này hợp lại để vừa bồi bổ khí và bổ huyết, phá huyết xấu, sinh khí huyết mới, chữa bệnh tâm-phế hư tổn cả khí và huyết được gọi là 8 vị thuốc qúy.

Nhóm thứ ba : là thuốc điều hòa âm dương gồm có 2 vị :

Hoàng Kỳ (chích) 2 chỉ (tính ấm, trợ dương, cầm mồ hôi, cố biểu, sinh cơ, khí hư thiếu)
Nhục quế 1 chỉ (vị cay nóng, chữa hư hàn, ôn bổ, thông huyết mạch, ôn bổ, dẫn hoả quy nguyên)
Hai vị này được thêm vào BÁT TRÂN THANG để trở thành THẬP TOÀN ĐẠI BỔ THANG : Bổ toàn vẹn âm dương khí huyết.
Đương quy (tẩm rượu) 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, sinh huyết, trục ứ sinh tân, chữa hư tổn)
Thục điạ 2 chỉ (vị ngọt tính ấm, bổ thận, bổ huyết ích tinh tuỷ)
Bạch thược 1,5 chỉ (vị chua, tính hàn, vừa bổ vừa liễm)
Xuyên khung 1 chỉ (tính ấm, thăng lên đầu khai ứ tắc )
Nhân sâm 2 chỉ (vị ngọt, đại bổ nguyên khí, vinh vệ khí, sinh tân, chỉ khát)
Phục linh 2 chỉ (vị nhạt, hóa đàm, thông thủy đạo, lợi thấp)
Bạch truật 2 chỉ (vị ngọt ấm, bổ tỳ vị, trục đàm trừ thấp, cầm tiêu chảy)
Chích thảo 1 chỉ (vị ngọt ấm, làm ấm trung tiêu)
Hoàng Kỳ (chích) 2 chỉ (tính ấm, trợ dương, cầm mồ hôi, cố biểu, sinh cơ, khí hư thiếu)
Nhục quế 1 chỉ (vị cay nóng, chữa hư hàn, thông huyết mạch, ôn bồ, dẫn hoả quy nguyên)
Trong thang Thập toàn đại bổ, mỗi thang thêm 2 qủa táo tầu đen, và 3 lát gừng.

Cách sắc nấu :

Đổ 4 chén nước nấu cạn còn 1 chén, uống ấm. Uống khoảng 20 thang, cơ thể thấy có sự thay đổi, ăn ngon, ngủ được, hết bần thần mệt mỏi đau nhức, nhức đầu chóng mặt, mà tây y không tìm ra nguyên nhân. Người bệnh chỉ uống nước sắc đầu hưởng được 100% chất bổ dưỡng, không được uống nước sắc lần thứ hai, chất bổ chỉ còn 60%, nếu uống cả 2 nước sắc, công hiệu chỉ được 80% sẽ kém hiệu nghiệm, kết qủa châm hơn. Nhưng nước thứ hai có thể cho người khác trong gia đình uống cũng làm tăng sức khỏe được 60%. Toa thuốc này tuy tầm thường, chỉ bồi bổ và lưu thông khí và huyết giúp phòng chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn nhiễm, ăn ngủ ngon, tăng tính hấp thụ và chuyển hóa, chữa những bệnh không tên, không tìm ra nguyên nhân, có giá trị hơn nhiều so với loại thuốc bổ Multivitamine chứa 24 chất của tây dược.

Ghi chú :
Cấm không được dùng khi bị cảm sẽ làm cho bệnh cảm nặng hơn.


Gia giảm :

Toa thuốc này tốt cho người có tính hàn, ăn không biết ngon, mất ngủ, cơ thể suy nhược, uống khoảng 20 thang thuốc mới chuyển hóa cảm nhận thấy rõ, biết đói bụng đòi ăn mà không cần kén chọn thức ăn. Nhưng nếu người có tính nhiệt, khi uống cảm thấy nóng, táo bón, môi miệng khô, áp huyết hơi tăng cao thì thay Thục địa bằng Sinh địa (tính hàn, tiêu thấp nhiệt, tiêu huyết ứ), và chỉ lấy 1 lát gừng để làm Sứ dẫn vào Tỳ Vị, kích thích chức năng hoạt động ở trung tiêu tạo huyết sinh khí bồi bổ cơ thể.
Nước thuốc sau khi sắc xong, có vị ngọt, nhiều người sợ có bệnh tiểu đường không uống được, nhưng uống sau 1 tuần theo dõi độ đường, không ảnh hưởng, không tăng lượng đường.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHÂN TÍCH NHỮNG VỊ THUỐC THEO ĐÔNG TÂY Y :

Đương quy :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Angelica spp. chứa tinh dầu có các hợp chất terpen, phenolic, các chất dẫn phtalid, coumarin, acid hữu cơ vanilic, palmitic, linoleic, nicotimic, sucinic, polysaccharide, các acid amine, vit.B1,B12, E, các nguyên tố Mg, Ca, Al, Cr, Cu, Zn, As, Pb, Cd, Hg, P, Fe, Si, Ni, V, brefedin..Đương quy được phân thành 4 loại : Quy đầu gồm phần đầu của rễ chính, đầu tù và tròn còn mang vết tích của lá. Quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi. Quy vĩ là phần rễ phụ hay nhánh. Toàn đương quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.
Đương quy có tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột, chống thiếu máu ác tính, ức chế trực khuẩn dịch hạch, thương hàn, phế cầu khuẩn, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, có khả năng bảo vệ hệ thống miễn dịch làm tăng lượng tế bào lympho T và phục hồi tái tạo hồng cầu, tăng sức đề kháng, ức chế sự giảm tỷ lệ huyết sắc tố, có khả năng điều trị huyết khối não viêm tắc, tăng cường tuần hoàn não bị ứ máu, chống loạn nhịp tim, tăng hoạt tính thực bào. Rễ đương quy có 2 thành phần: một thành phần không có tinh dầu kích thích tử cung làm tăng lượng AND, tăng lượng tiêu thụ oxy của gan, và tăng năng lượng sử dụng glucose của tử cung, một thành phần có tinh dầu khác ức chế tử cung.

Phân tích theo đông y :
Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận trường, dùng để chữa bệnh phụ nữ, dùng làm thuốc bổ chữa bệnh thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, ngực, bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại liệt, táo bón, mụn lở ngứa, ứ huyết, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, sa tử cung, chảy máu, làm thuốc giảm đau chống co giật trong bệnh ung thư.

Sinh địa, thục địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .
Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Bạch thược :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Paeonia lactiflora Pall., tên khác là Mẫu đơn trắng, chứa hoạt chất paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyol paeoniflorin, hợp chất triterpen, flavonoid, có tác dụng kháng khuẩn, kích thích co bóp, kháng cholin, giảm đau, điều kinh.

Phân tích theo đông y :

Bạch thược có vị đắng chua, hơi chát vào 3 kinh can tỳ phế, chữa đau bụng, tả lỵ do ruột co bóp, lưng ngực đau, chân tay nhức mỏi, nhức đầu, hoa mắt, viêm mạch huyết khối, tắc mạch máu não, kinh nguyệt không đều, bế kinh, xích bạch đới, tiểu khó.

Xuyên khung :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Conioselinum univitalum Turcz., tên khác là Khung cùng, có chứa các chất phthalid tăng hoạt tính ức chế, chống loạn nhịp tim và gây giãn động mạch vành., chất Ligustrazin ức chế sự kết hợp tiểu cầu, có khả năng dịch chuyển Ca 2+ khỏi màng tiểu cầu, chống đông máu cục ở động mạch, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, và giảm lực co cơ tim, giảm áp huyết động mạch vành, tăng áp suất tâm thất trái và sự tiêu thụ oxy ở tim, chất Tetramethylpyrazin có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tắc mạch máu não, nghẽn máu não, tăng sự phục hồi hình dạng hồng cầu nhanh hơn. Rễ xuyên khung có tác dụng chống đông máu, ức chế các giai đoạn đông máu nội sinh, ngoại sinh và tạo fibrin, giảm áp huyết, giảm áp huyết động mạch phổi, giảm cholesterol, tăng chức năng tâm thất trái, tăng chất lượng huyết lưu trong bệnh nghẽn tim phổi mạn tính, ức chế co thắt cơ trơn ruột, lợi tiểu, kháng khuẩn phế cầu, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh.

Phân tích theo đông y :
Xuyên khung có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Vào 3 kinh Can, Đởm, Tâm bào. Có tác dụng hành khí, điều kinh, hoạt huyết, trừ phong, giảm đau. Chữa nhức đầu, hoa mắt, cảm mạo, phong thấp nhức mỏi, ngực bụng đầy trướng, ung nhọt, rong kinh kéo dài sau khi sinh, rốI loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau nhói ngực, sườn, viêm đau do thương tổn, chấn thương, đau thấp khớp.
Chống chỉ định :
Người âm hư hỏa vượng không nên dùng.

Nhân sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Panax ginseng C.A. Mey., tên khác là Sâm Cao ly, chứa các saponin triterpen như ginsenosid Rc, Rg1 và Ro giúp hưng phấn của vỏ đại não, tăng cường ức chế, cải thiện hệ thần kinh,tăng cường thể lực, trí lực, có tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol, nhân sâm dùng dài ngày phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây ra, dịch chiết nhân sâm làm tăng cao hàm lượng adrenocorticotropic hormone (ACTH) và corticosteron. Các ginsenoid có tác dụng trên hệ nội tiết, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách, và tuyến giáp trạng trong qúa trình phản ứng kích thích, kích thích tuyến yên phân tiết hormone sinh tinh, kháng lợi niệu, chuyển hóa đường khi thử nghiệm tiêm adrenalin hay dung dịch glucose vào thỏ rồi tiêm dịch nhân sâm thấy đường huyết hạ, nhưng không thể thay thế dược insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa đường và không ngăn ngừa được bệnh tái sinh, làm giảm rối loạn nhịp tim, có tác dụng giãn mach làm hạ áp huyết và ức chế sự thu nạp Ca+ trong màng cơ tim, có tác dụng thúc đẩy qúa trình tồng hợp acid nucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương, và tổng hợp albumin huyết thanh.

Phân tích theo đông y :

Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ, phế, tâm, có tác dụng bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần kinh, bổ tỳ ích phế, bổ ngũ tạng, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, đoản khí, tâm hồi hộp, hư lao.

Đảng sâm :
Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. Rễ có đường, chất béo, không có saponin, người ta chiết xuất được triterpenglucoside và đặc biệt là các polysaccharide có tác dụng lên hệ miễn dịch, chống viêm, tăng chức năng tủy xương sinh sản tế bào có hoạt tính miễn dịch và dưỡng bào, tăng hồng cầu, giảm bạch cầu, hạ áp huyết ngoại vi và ức chế tác dụng gây tăng áp huyết của adrenalin.

Phân tích theo đông y :

Rễ đảng sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa tỳ vị suy nhược, phế khí kém, biếng ăn, đại tiện lỏng, thiếu máu, vàng da, tăng bạch cầu, viêm thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau.

Phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :

Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Bạch truật :
Phân tích theo tây y :
Tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz., bộ phận dùng là rễ củ, vỏ mầu nâu, ruột trắng ngà ức chế vi khuẩn gây ra bệnh ngoài da, nước sắc của bạch truật có chất glucoside kali atractylat làm hạ đường huyết trong gan xuống thấp có thể tới mức gây co giật, nhưng lượng glycogen trong tim hơi tăng, ức chế sự đông máu, tăng chức năng hoạt động của gan, chống loét các cơ quan thuộc đường tiêu hóa, chống viêm khớp.

Phân tích theo đông y :

Bạch truật có mùi thơm nhẹ, vị ngọt đắng, tính ấm, kiện tỳ, táo thấp, hòa trung, lợi tiểu, giảm phù nhẹ, an thai, chống loét dạ dày, tăng cường chức năng giải độc của gan và chống viêm, nếu bạch truật sao chế với giấm sẽ làm tăng tiết mật. Đông y xem nó như là một loại thuốc bổ chữa các bệnh hư chứng như đau bao tử, giảm đau bụng đầy trướng có cảm giác nóng rát vùng thượng vị làm nôn mửa, giúp ăn được, chữa bệnh chậm tiêu, thấp nhiệt, tiêu chảy phân sống, viêm ruột mãn tính, chữa sốt ra mồ hôi.
Ngày dùng 1,5-3,0 chỉ ( 6g-12g )sắc nước uống.
Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Chích thảo, Cam thảo :
Phân tích theo tây y :
Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrat ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và chlorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :

Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

Hoàng kỳ :
Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Astragalus membranaceus (Fisch.)Bunge. Chứa chất polysaccharide giúp tăng hoạt tính interleukin-2 làm tăng thực bào của hệ lưới nội môi và tế bào đa nhân thuộc hệ thống miễn dịch, sinh thêm tế bào và duy trì tuổi thọ tế bào, là loại thuốc hồi dương, giúp tim co bóp bình thường trong trường hợp suy tim, vừa làm giãn mạch tim và mạch thận khiến áp huyết hạ và giúp máu qua thận nhiều hơn vừa bảo vệ mạch không vỡ do chiếu tia X-quang, tăng sự thẩm thấu của huyết tương qua thành mạch. Chất Saponin astramembrannin làm tăng sinh tổng hợp ADN trong gan và trong qúa trình tái sinh gan khi gan bị cắt, ngăn ngừa sự giảm glycogen, có tính kháng khuẩn, trực khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, phế cầu.

Phân tích theo đông y :

Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh phế tỳ, bổ khí, thăng dương, liễm hãm, lợi tiểu, giải độc, chữa thận hư, viêm thận tiểu cầu mãn tính, đái tháo đường, đái đục, phong thấp, đau xương.

Nhục quế :
Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume. Vỏ thân cành gọi là quế chi, vỏ thân gọi là quế nhục có chứa tinh dầu aldehyde cinnamic, tannin, chất nhựa, chất đường, calci oxalate, chất nhầy, chất vô cơ, coumarin. Có tác dụng diệt khuẩn lao, tiêu chảy, siêu vi khuẩn, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, nấm, Quế chi làm giãn mạch ngoại biên giúp giảm áp huyết, làm tăng lực co cơ mạch tim, chống huyết khối, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu, chống đái tháo đường.

Phân tích theo đông y :

Quế vị ngọt cay, mùi thơm, tính rất nóng, tác dụng bổ tăng hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Dùng để cấp cứu chân tay hàn lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tiêu hóa kém, tả lỵ, phù thủy thủng do bí tiểu tiện, kinh bế, rắn cắn, ung thư.

------------------------------------------------------------------------------------------------------

Xin hỏi Thầy Đổ Đức Ngọc:
- *THANG THUỐC THẬP TOÀN ĐẠI BỔ* sắc mấy chén nước còn lại bao nhiêu và uống mấy thang? Mỗi ngày uống mấy lần?
- Đương quy (tẩm rượu) là đổ rượu vô ngâm thời gian bao lâu?
Thành Thật cám ơn Thầy.
Mến chúc Thầy luôn mạnh khoẻ vạn an.
Trân Trọng,
AL

------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trả lời :


Nếu sắc bằng ấm điện , đổ 4 chén, ấm tự động tắt khi cạn còn lại 1 chén. Nấu bằng ấm điện, chất thuốc đều đặn hơn, không bị loãng hoặc không bị cháy khét như nấu bằng ấm thường.
Một ngày uống 1 lần :
Nếu sáng ngủ dậy thấy cơ thể mệt mỏi bần thần, thì uống vào buổi tối.
Nếu trong ngày làm việc thấy mệt mỏi, uể oải, thì uống vào buổi sáng.
Uống như vậy mình được hưởng 100% chất thuốc, nếu uống thêm nước thứ hai, phẩm chất thuốc chỉ còn lại 40%, thành ra công dụng của thuốc trong người chỉ hấp thụ được 70% kém kết quả hơn là uống một lần nước đầu. Nhưng nước thứ hai có thể cho người khác uống, cũng được thêm 40% chất bổ trong người.
Đương quy tẩm, tiệm thuốc bắc có bán sẵn. Những toa thuốc Thập toàn đại bổ hoặc Bát Trân Thang bán sẵn từng gói ở chợ để hầm thịt không đúng, không dùng để chữa bệnh được.
Uống đến khi nào ăn ngủ ngon, lên cân chút đỉnh, làm việc không thấy mệt, không bị cảm cúm lặt vặt hoặc khi thấy áp huyết tăng hay táo bón thì ngưng. Nếu muốn tiếp tục uống phải đổi Thục địa thành Sinh địa và chỉ dùng 1 lát gừng để làm Sứ dẫn thuốc.
Có công dụng nhất đối với bệnh tai biến mạch máu não, máu não còn bị ứ tắc dễ bị tái phát stroke đưa đến hôn mê và khiến chức năng não hư hỏng gây ra bệnh tê liệt, chân tay khó cử động, mất trí nhớ. Trong thuốc có vị Xuyên Khung giúp tan máu ứ tắc trong não và phục hồi được chức năng não.
Những bệnh tê liệt lâu năm chân teo mất cảm giác, ăn uống không được, người gầy còm, bao tử teo dần, đau đớn hành hạ từ ngày này sang ngày khác, phải dùng morphine mà bệnh càng ngày càng tệ chỉ còn chờ một phép lạ. Sau khi uống 40 thang, người có sinh khí, sinh lực, ăn ngủ được, bắp chân nở , có cảm giác, cử động được chút ít. Bây giờ vẫn tiếp tục uống, họ gọi là thần dược.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Kính gởi Thầy Ngọc,
Cháu gái uống thuốc theo toa Thập Toàn Đại Bổ của Thầy kết quả rất khả quan.
Còn đang tiếp tục uống.
Thành thật cám ơn Thầy Ngọc đã giúp đở
Mến chúc Thầy và bửu quyến luôn mạnh khoẻ an khang.
Trân Trọng,
AN70